Hậu khu kinh tế biển

BÀI 1: QUA THỜI SÔI ĐỘNG
(Cadn.com.vn) - Các khu kinh tế (KKT) ven biển miền Trung đã phát triển đến đâu? Những bất cập và khó khăn đang đối mặt? Hiệu quả đã tương xứng với đầu tư? Cái được và mất sau gần 10 năm phát triển KKT?... Loạt bài “Hậu khu kinh tế biển” là một góc nhìn về câu chuyện phát triển nóng các KKT biển ở miền Trung.
Gần chục năm trước, nhiều KKT ven biển miền Trung được thành lập mang theo kỳ vọng lớn lao. Nhưng khép lại sau lưng một thời mở mang rầm rộ thì nay các KKT này trở lại thực tế lặng lẽ, trống trải...
LẶNG LẼ NHƠN HỘI
Năm 2006, khi cầu Thị Nại - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam được khánh thành mang theo những đoàn xe nối tiếp nhau từ phố biển Quy Nhơn, cả bán đảo Phương Mai như bừng sáng sau bao năm ngủ quên. Từ đây, KKT Nhơn Hội cũng được tiếp sức, mở ra triển vọng lớn lao.
Theo quyết định thành lập, KKT Nhơn Hội có tổng diện tích tự nhiên khoảng 12.000ha, được xây dựng thành KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có quy chế hoạt động riêng với khu phi thuế quan, KCN, khu vui chơi giải trí, khu cảng biển, khu dịch vụ và đô thị mới. Với lợi thế là một trong các đầu mối giao thông vùng, lại có quỹ đất sạch rất rộng, không ngập lụt, đồng thời gần TP Quy Nhơn (6km) nên có thể tận dụng các điều kiện hạ tầng xã hội như sân bay, cụm cảng nước sâu Quy Nhơn, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục... KKT Nhơn Hội hội đủ điều kiện phát triển thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Nhơn Hội vẫn khá lặng lẽ, có khác chăng hệ thống giao thông đã được hoàn thành gần 70%.
Tuy nhiên, sau những ngày đầu khởi công sôi động, trở lại Nhơn Hội bây giờ, cả bán đảo Phương Mai vẫn không có nhiều thay đổi ngoại trừ cái vẻ lặng lẽ của một bán đảo bình yên nhìn sang phố biển Quy Nhơn. Lác đác đây đó là những chiếc xe tải chở đất san lấp bụi mù mịt, là những chiếc máy ủi đang hì hục đào đất. Có chăng, sự thay đổi dễ nhận thấy hơn cả là những con đường mới với hệ thống đèn điện, thoát nước... được xây dựng. Nhưng, giữa hạ tầng mênh mông ấy lác đác chỉ một vài nhà máy mọc lên. Chị Dương Thị Hoa (48 tuổi, trú thôn Đại Tân, xã Nhơn Hội) chia sẻ, khi thông cầu Thị Nại, hơn 50 hộ dân ở đây rất vui mừng vì không phải đi đò sang Quy Nhơn, cuộc sống lam lũ hứa hẹn đổi thay. Nhưng tới nay, chị bảo cuộc sống của mình vẫn vậy, nhà cửa thì tạm bợ vì trong vùng quy hoạch không được xây cất, 4 đứa con hoặc làm thuê, hoặc loanh quanh bám biển. Mà thực tế, nhiều thanh niên ở đây cũng không kiếm được việc làm trong các nhà máy như kỳ vọng khi xây KKT Nhơn Hội. Hằng ngày chị Hoa vẫn quanh quẩn với việc nhà, tranh thủ vuông đất trồng khoai môn, muối dưa đem bán. Cuộc sống cứ trôi đi, không thay đổi nhiều.
Theo BQL KKT Nhơn Hội, hiện KCN Nhơn Hội A đã san nền khoảng 550ha, xây dựng gần 70% giao thông nội bộ, cho thuê đất trên 35ha; KCN Nhơn Hội B san nền được khoảng 260ha, cho thuê đất khoảng 28ha. Để Nhơn Hội hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư thì việc phát triển hạ tầng phải được đẩy nhanh, nhưng vốn ở đâu trong bối cảnh khủng hoảng thế này, quả là bài toán khó. Mặt khác, nạn cát bay khi san lấp mặt bằng cũng là thách thức cản trở nhà đầu tư tới Nhơn Hội. Hiện KKT Nhơn hội có 36 DA đầu tư với hơn 36 ngàn tỷ đồng, mới có 8 DA đi vào hoạt động, đa số DA nhỏ. Một số DA lớn thì chậm tiến độ. Nguyên nhân một phần do kinh tế hiện khó khăn, các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, mặt khác một số nhà đầu tư có tiềm lực thì lại vướng khâu giải phóng mặt bằng.
ẢM ĐẠM CHÂN MÂY
Với diện tích hơn 27.000ha lại nằm ở vị trí trung tâm giữa 2 TP lớn của miền Trung là Huế - Đà Nẵng, 6 năm trước, khi xây dựng, KKT Chân Mây - Lăng Cô đã được đặt kỳ vọng rất lớn. Bên cạnh các KCN, khu phi thuế quan thì Khu cảng biển và KĐT Chân Mây được coi là một trọng tâm của KKT. Cảng Chân Mây được xây dựng thành cảng tổng hợp, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ ra biển Đông của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. KĐT Chân Mây được xác định là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng; là đô thị du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế; là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn, hiện đại của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung... Toàn KĐT Chân Mây có diện tích trên 3,4 ngàn héc-ta, quy mô dân số được quy hoạch đến năm 2025 là 130.000 người. Có thể nói việc quy hoạch, xây dựng KKT Chân Mây - Lăng Cô đặt ra nhiều mục tiêu lớn lao. Tuy nhiên, sau những ngày đầu khởi công sôi động, thì suốt hơn 6 năm qua, KKT này đã làm được gì? Hiện tại mới có khoảng 1,7 ngàn tỷ đồng được đầu tư để phát triển hạ tầng. Có thể kể tới một số hạng mục nổi bật như hoàn thành hơn 80km đường bộ, bao gồm giao thông nội bộ trong KKT và kết nối với cảng Chân Mây, QL1A. Mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng để thu hút đầu tư vẫn đang được triển khai. Hiện có 32 DA đầu tư vào Chân Mây - Lăng Cô, trong đó có 11 DA đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn hơn 1,3 tỷ USD.
Không chỉ Nhơn Hội, Chân Mây - Lăng Cô mà ngày cả KKT Vân Phong (Khánh Hòa), Nam Phú Yên (Phú Yên) cũng đang trong tình trạng lặng lẽ sau thời kỳ đầu phát triển sôi động với nhiều mục tiêu lớn được đề ra. Tất nhiên, ngoài yếu tố khủng hoảng kinh tế gây khó khăn chung thì việc các KKT này chững lại sau thời kỳ đầu sôi động là thực tế được dự báo trước.
(còn nữa)
Hải Hậu

Bài 2: không như kỳ vọng
(Cadn.com.vn) - Chu Lai và Dung Quất được coi là 2 khu kinh tế (KKT) thành công nhất, nhưng nó vẫn chưa đạt được kỳ vọng như mong muốn. Sự phát triển không liên tục là tồn tại lớn nhất khiến các KKT này cứ loay hoay mãi bài toán “con gà - quả trứng”.
Chiếc áo quá khổ
Khi xây dựng Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất, hàng chục ngàn kỹ sư, chuyên gia đã đổ về, cả KKT như một đại công trường bộn bề. Vào lúc ấy, Dung Quất là “miền đất hứa” với nhiều nhà đầu tư. Hơn 130 biệt thự với nội thất sang trọng đã được xây dựng cho chuyên gia thuê, hàng loạt các dịch vụ khác cũng mở ra. Nhưng khi NMLD xây xong, mọi thứ đi vào trật tự, các chuyên gia rút lui, Dung Quất trở nên vắng lặng như vốn dĩ nó là miền quê biển bình yên tự bao giờ. Và 130 biệt thự đóng cửa để không, bệnh viện, trung tâm văn hóa, các KĐT hiếm bóng người.
Ông Lê Văn Dũng - Phó BQL KKT Dung Quất nói: “Không thể may cái áo cho con voi 10 tuổi khi nó mới chỉ 3 tháng, làm sao nó lớn kịp”. Đấy là cách ví von về quy hoạch đô thị Vạn Tường, rất khó để biến một trị trấn trẻ lên thành phố ngay được. Toàn bộ Dung Quất mới chỉ có khoảng 14.000 lao động, họ lại sống rải rác trên một diện tích rộng mênh mông hơn 45.000ha nên không thể thúc đẩy dịch vụ phát triển, không thể lấp đầy các khu TĐC để hình thành đô thị - Thành phố công nghiệp mở như mục tiêu đề ra.
Nhiều kỹ sư ở NMLD Dung Quất với thu nhập cao đã chuyển ra Tam Kỳ, Quảng Ngãi để mua nhà với lý do ở Dung Quất chẳng khác gì vùng quê, thiếu các dịch vụ trong khi con cái đi học cũng chỉ ở trường làng, trường xã. Ông Dũng nói, phát triển dịch vụ không khó, nhưng vấn đề ai dùng nó, chỉ một bộ phận kỹ sư của NMLD thôi thì chưa đủ. “Chúng tôi cũng xây dựng 1 bệnh viện nhưng không thu hút được bác sĩ giỏi, không có bệnh nhân đến. Chúng tôi cũng xây dựng một trung tâm văn hóa nhưng khi diễn thì người diễn nhiều hơn người xem. Chúng tôi cũng đã kêu gọi nhà đầu tư làm trường quốc tế, đã khởi công, san mặt bằng nhưng tính toán lại thấy không có nhu cầu, lại bỏ. Con em của kỹ sư NMLD chỉ số nhỏ, họ không muốn học trường làng, còn chúng tôi thì không thể xây dựng trường học chỉ cho vài người” - ông Dũng chia sẻ.
Rõ ràng, cái khó của Dung Quất chính là việc loay hoay giữa bài toán “con gà - quả trứng”. Xây dựng, đầu tư dịch vụ mà thực tế không có nhu cầu thì chẳng ai mạo hiểm làm. Mà không có dịch vụ thì nhiều người giỏi, chuyên gia, nhà đầu tư lớn không muốn về, thì Dung Quất không thể phát triển. Vào thời kỳ đầu mới xây dựng NMLD cùng một số nhà máy công nghiệp nặng khác, hàng chục ngàn người đã đổ về Dung Quất, hình thành thị trường ảo, nhiều nhà đầu tư đã nhảy vào đầu tư BĐS, dịch vụ. Tuy vậy, sau khi Dung Quất ổn định lại, thị trường thu hẹp, nhiều nhà đầu tư bỏ dở, không triển khai dự án dịch vụ nữa. Ông Dũng cho biết có 19 DA chậm tiến độ, trong đó phần đa đầu tư dịch vụ, không có năng lực tài chính và họ nhận thấy nhu cầu thực tế chưa có.
Tuy nhiên, cái bất cập lớn nhất ở Dung Quất chính là sự phát triển không liên tục. Đã có lúc sự kỳ vọng đặt lên NMLD rất lớn để tạo động lực thúc đẩy KKT, nhưng do khủng hoảng, dòng đầu tư chững lại, sự phát triển không như kỳ vọng nên không tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân, nhất là người dân mất đất sản xuất. Ông Dũng tính toán, tổng vốn đầu tư vào Dung Quất tới 4,8 tỷ USD nhưng chỉ giải quyết được 14.000 lao động, lý do là tập trung vào công nghiệp nặng. NMLD 3 tỷ USD giải quyết được 1.400 lao động, chủ yếu từ nơi khác tới, tính ra 2 triệu USD/lao động, trong khi 2 triệu USD có thể giải quyết cho 1.000 lao động may mặc. Ở các nhà máy công nghiệp nặng khác do đòi hỏi trình độ kỹ thuật nên thanh niên địa phương ít người vào làm, mặt khác lương chỉ 2,5-3 triệu đồng/tháng nên họ cũng không muốn vào làm. Thực tế đó cho thấy mục tiêu giải quyết việc làm, phát triển đời sống người dân địa phương chưa đạt được như kỳ vọng. Trong khi đó, để xây dựng NMLD, hơn 2.000 hộ dân đã phải di dời.

Sau thời đầu cả Dung Quất như một công trường, hàng trăm biệt thự sang trọng mọc lên dành
cho chuyên gia thuê giờ này chúng để không.
Chu
Lai “mở” đến đâu?
Sau 8 năm triển khai, cái được nhất của Chu Lai - KKT đầu tiên của Việt Nam đó là hệ thống hạ tầng phát triển. Từ chỗ trước đây chỉ là những khu cát trắng, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp thì nay đã hình thành các nhà máy, công xưởng, khu du lịch, trong đó có những nhà máy mang quy mô quốc gia như ô-tô Trường Hải, Kính nổi Chu Lai... Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó BQL KKT Chu Lai cho biết, khoảng 2.600 tỷ đồng đã được đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng KKT mở Chu Lai, trong đó nổi bật là hạ tầng 2 KCN tổng diện tích trên 500ha, đã lấp đầy hơn 90%. Ngoài ra còn hàng ngàn tỷ đồng khác đã được đầu tư phát triển các tuyến đường, sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà... tạo diện mạo bước đầu cho KKT mở. Hiện Chu Lai có tổng cộng 72 DA đầu tư với tổng vốn 1,7 tỷ USD thu hút khoảng 11.000 lao động, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của Quảng Nam.
Tuy vậy, theo ông Quang, cái quan trọng nhất, được coi là “trái tim” của KKT mở thì Chu Lai vẫn chưa có. Ấy là Khu phi thuế quan. “Đã là KKT mở thì phải có khu phi thuế quan, nhưng nguồn lực địa phương chưa đủ để thực hiện” - ông Quang nói. Và tất nhiên, kèm theo các mục tiêu kinh tế thì việc bắt buộc phải gắn với nó là hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, dịch vụ giải trí...). Tuy nhiên, thực tế ở Chu Lai hạ tầng xã hội còn thiếu và chưa đạt chuẩn quốc tế. Chưa có trường đào tạo nghề chất lượng cao, mới xây dựng bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam nhưng xem chừng lặp lại “vết đổ” của Dung Quất. Đặc biệt, hầu hết đời sống của 11.000 lao động còn khó khăn từ cái ở nói gì đến nhu cầu thưởng thức văn hóa, giải trí. Từ thực tế đó cho thấy Chu Lai vẫn chỉ hơn KCN một chút chứ chưa trở thành KKT mở đúng nghĩa. Và nói như ông Quang, kỳ vọng rất lớn nhưng Chu Lai chưa đạt được như mong đợi, mà cái bất cập lớn nhất là sự phát triển không liên tục. Thời kỳ đầu cũng như nhiều KKT khác, Chu Lai rất khởi sắc, nhưng rồi lặng lẽ dần, cho tới nay gặp khủng hoảng kinh tế, việc thu hút đầu tư, phát triển KKT mở càng khó khăn gấp bội.
(còn nữa)
Hải Hậu
Copyright 2010 SIÊU THỊ 24 GIỜ

Home | Giới thiệu | Sản phẩm | Tin tức | Liên hệ |