(Tài chính) Đó là câu hỏi lớn được đặt ra tại Hội nghị chuyên đề bàn biện pháp quản lý hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới. Hội nghị do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 2/8 tại An Giang - địa bàn đang nóng với các thủ đoạn gian lận tiền hoàn thuế GTGT.
Hoàn thuế - nhiều rủi ro
Việt Nam và Campuchia có đường biên giới chung trên đất liền dài 1.270 km, tiếp giáp qua 6 tỉnh Nam Bộ (gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang) với 10 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu chính, 25 cửa khẩu phụ, 9 khu kinh tế cửa khẩu. Lợi thế này đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước, qua hai con đường xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch. Đặc biệt thời gian gần đây, trên địa bàn hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, nhất là huyện An Phú tỉnh An Giang (tiếp giáp biên giới Campuchia), hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phát triển nhanh, với số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong diện này tăng nhanh: năm 2011 tăng 107% so với năm 2010, năm 2012 tăng 140% so với năm 2011 và từ đầu năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm có trên 10 DN đăng ký thành lập mới.
Điều đáng nói là, cùng với sự gia tăng nhanh số lượng DN thì số tiền hoàn thuế cho hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới Campuchia cũng tăng lên nhanh chóng: năm 2011 tăng 194,6% so với năm 2010, năm 2012 tăng 190% so với năm 2011; trong khi đó số thuế nộp ngân sách hàng năm của các DN xuất khẩu tiểu ngạch phát sinh không đáng kể, chỉ bằng khoảng 1% - 2% số tiền thuế đã hoàn. Đến khi ở các địa phương tiếp giáp biên giới xuất hiện ngày càng nhiều các DN mới đi vào hoạt động, với lượng vốn đăng ký kinh doanh thấp hơn nhiều lần so với giá trị xuất khẩu hàng tháng, với số tiền hoàn thuế hàng năm vượt qua lượng vốn đăng ký của DN... thì các dấu hiệu rủi ro cao đối với việc hoàn thuế cho hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng trở nên rõ nét.
Tại hội nghị, báo cáo và các tham luận đã nhận diện nhiều hành vi, thủ đoạn gian lận hoàn thuế ngày càng tinh vi, đa dạng. Theo đó, không chỉ lợi dụng cơ chế thanh toán hàng xuất khẩu biên mậu qua tài khoản vãng lai mở tại ngân hàng, cơ chế miễn kiểm tra hải quan hoặc chỉ kiểm tra tỷ lệ 5% đối với hàng hóa xuất khẩu biên mậu (phân luồng xanh), cơ chế thông thoáng trong thành lập DN, tự in hóa đơn..., các DN còn tranh thủ địa thế đường biên giới Việt Nam - Campuchia cách nhau một con sông rộng khoảng 400m - 600m với hệ thống sông ngòi chằng chịt và liên thông tại huyện An Phú tỉnh An Giang để quay vòng hàng hóa xuất khẩu hoặc khai khống số lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu để lập hồ sơ xin hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách nhà nước.
Công tác điều tra xác minh của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, hành vi gian lận tiền hoàn thuế thường tập trung ở các DN có vốn đăng ký kinh doanh thấp, mới thành lập nhưng xin hoàn thuế liên tục; các DN có số lượng hàng xuất khẩu rất lớn và không theo mùa vụ; các DN sử dụng hình thức thanh toán qua tài khoản vãng lai; DN khả năng tài chính hạn chế nhưng quy mô hoạt động lớn; nhiều DN cùng xuất khẩu cho một DN khác… tuy nhiên việc xử lý đang là bài toán chưa tìm ra lời giải tốt.
Các biện pháp quản lý ngày càng siết chặt
Báo cáo tại hội nghị cho biết, qua công tác quản lý thuế đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua biên giới, các Cục Thuế đã phát hiện hành vi, thủ đoạn gian lận hoàn thuế để báo cáo kịp thời với ngành cấp trên và Ủy ban Nhân dân tỉnh kịp thời có giải pháp chỉ đạo, điều hành. Bản thân cơ quan thuế các tỉnh có phát sinh hiện tượng gian lận đã chủ động vào cuộc, theo dõi sát diễn biến tình hình để có giải pháp quản lý hữu hiệu.
Theo đó, Cục Thuế tỉnh An Giang đã phối hợp với Cục Hải quan để phân loại DN, đưa vào tiêu chí quản lý rủi ro để kiểm tra chi tiết hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 11 trường hợp vi phạm do xuất khẩu khống, xuất thiếu hàng hóa so với khai báo trên tờ khai hải quan, trị giá hàng vi phạm trên 1,7 tỷ đồng. Đặc biệt, sau khi áp dụng tiêu chí phân tích kiểm tra thực tế hàng hóa kèm đối chiếu số IMEI, 9/10 DN xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động đã dừng hoạt động. Bên cạnh đó, bằng việc tăng cường kiểm tra trước và kiểm tra sau hoàn thuế, trong năm 2012 Cục Thuế An Giang đã phát hiện 12 hồ sơ vi phạm và đã xử lý thu hồi số tiền hoàn thuế 214,7 triệu đồng. 5 tháng đầu năm 2013, cơ quan thuế cũng đã dừng hoàn thuế 6 hồ sơ có dấu hiệu hợp thức hóa chứng từ đầu vào và chuyển sang Công an 5 DN có dấu hiệu tội phạm để điều tra làm rõ; đồng thời kiểm tra phát hiện 15 hồ sơ vi phạm và đã xử lý thu hồi tiền hoàn thuế 281,6 triệu đồng. Cùng với các biện pháp quản lý dấu hiệu bất thường, qua xác minh hóa đơn GTGT đầu vào của các hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới Campuchia, Cục Thuế đã tiến hành phân tích rủi ro theo 8 nhóm đối tượng để tập trung thanh tra, kiểm tra và tổ chức quản lý thuế.
Từ báo cáo của các địa phương, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý thuế đối với các DN có rủi ro cao về thuế. Tổng cục Thuế cũng đã thành lập Đoàn công tác về việc hoàn thuế GTGT đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại địa bàn tỉnh An Giang theo Thông báo số 160/TB-TCT ngày 28/6/2013 để tham mưu tổ chức hội nghị chống gian lận hoàn thuế xuất khẩu qua biên giới Campuchia và đề ra các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn và đẩy lùi hành vi gian lận này.
Quyết tâm đẩy lùi gian lận thuế
Mặc dù Cục Thuế các địa phương đã gia tăng các biện pháp quản lý, song tình trạng gian lận tiền hoàn thuế vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chính vì thế mà quyết tâm chống thất thu, đẩy lùi tình trạng gian lận thuế trở thành mục tiêu chung với cả ngành thuế và chính quyền địa phương. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, ông Vương Bình Thạnh đã thể hiện sự quyết liệt của chính quyền sở tại trong việc ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi gian lận bằng việc giao nhiệm vụ cụ thể cho 7 ngành chức năng liên quan; trong đó Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Cục Thuế tiến hành điều tra, xây dựng chuyên án riêng cho loại tội phạm này để đưa ra xét xử công khai, nhằm răn đe đối với các trường hợp vi phạm.
Về phía ngành thuế, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam xác định, cuộc đấu tranh để ngăn chặn hành vi gian lận hoàn thuế GTGT nói riêng và chống thất thu thuế nói chung, không chỉ cần có sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị ở địa phương mà còn đòi hỏi cả sự chung tay phối hợp của cơ quan quản lý cấp trung ương và các ban, ngành liên quan. Trên tinh thần quyết liệt ngăn chặn tiến tới đẩy lùi các hành vi, thủ đoạn gian lận tiền hoàn thuế, người đứng đầu ngành thuế cho biết tới đây sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp.
Theo đó về cơ chế chính sách, Tổng cục Thuế sẽ báo cáo, đề xuất với Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 06/2012/TT-BTC theo hướng xem xét lại quy định về hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới thanh toán bằng việc nộp tiền mặt vào tài khoản vãng lai của tổ chức, cá nhân nước ngoài mở tại ngân hàng thương mại Việt Nam; đồng thời sửa đổi chính sách có liên quan, nhất là quy định về điều kiện DN được tự in hóa đơn. Để hỗ trợ các Cục Thuế địa phương trong công tác kiểm tra, xác minh hóa đơn, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo xây dựng ứng dụng đối chiếu chéo bảng kê hóa đơn, dự kiến sẽ triển khai trước tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, sau đó sẽ mở rộng diện. Về cơ chế giám sát, Tổng cục Thuế cũng đã trao đổi, thống nhất với Tổng cục Hải quan về các biện pháp tăng cường quản lý rủi ro, kiên quyết đưa các DN có dấu hiệu vi phạm vào diện kiểm soát đặc biệt. Cùng với đó, trên cơ sở sơ kết công tác thực hiện quy chế phối hợp giữa hai ngành thuế và công an trong phòng chống vi phạm trong lĩnh vực thuế, tới đây Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền nâng tầm quy chế thành thông tư để tăng cường tính pháp lý cho công tác phối hợp. Nhưng hơn tất cả, Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam yêu cầu cơ quan thuế các cấp phải tăng cường trách nhiệm, nhạy bén trong quản lý, điều hành để kịp thời kiểm soát và khống chế có hiệu quả các trường hợp vi phạm.
9 dấu hiệu nhận dạng rủi ro gian lận hoàn thuế trong xuất khẩu tiểu ngạch:
(1) DN mới thành lập từ 1 đến 2 năm có số thuế phát sinh nộp ngân sách rất nhỏ, nhưng xin hoàn thuế đều qua các tháng với số thuế hoàn lớn;
(2) DN có vốn đăng ký kinh doanh thấp hơn nhiều so với số tiền hoàn thuế trong một năm.
(3) DN có tất cả các mặt hàng xuất khẩu đều có giá mua bằng với giá bán xuất khẩu; không có hợp đồng mua hàng, hợp đồng vận chuyển hàng hóa.
(4) DN có số lượng hàng xuất khẩu quá lớn và không theo mùa vụ.
(5) DN có hàng hóa xuất khẩu chủ yếu mua của các DN kinh doanh thương mại, vận tải, hoặc siêu thị; không phát sinh chi phí vận chuyển hoặc có phát sinh rất ít. (6) DN xuất khẩu hàng hóa theo đường tiểu ngạch bằng đường thủy được cơ quan hải quan phân luồng xanh. (7) DN được khách hàng ở Campuchia bao tiêu hàng hóa xuất khẩu, nhưng cũng đồng thời bao tiêu hàng hóa xuất khẩu của nhiều DN xuất khẩu Việt Nam khác. (8) DN có xuất - nhập - tồn hàng hóa trên bảng kê hàng tháng không cân đối với bảng kê hàng hóa mua vào, bán ra. (9) DN có lượng tiền VND do khách hàng Campuchia mang vào Việt Nam, lượng tiền nộp ở tài khoản vãng lai tại ngân hàng và lượng tiền thanh toán hàng nhập khẩu không cân đối.
Theo thuathienhue.gdt.gov.vn
|